Kỳ thi THPT Quốc Gia
Tiết lộ lý do một số trường ĐH cố tình nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh
Đại diện Trường ĐH Đồng Nai xác nhận vì quá ít thí sinh đăng ký xét tuyển trường cố tình đẩy điểm chuẩn lên cao để đánh rớt thí sinh. Bởi chỉ có 2, 3 thí sinh trúng tuyển, do vậy trường không thể mở lớp, nhà trường đánh rớt để các em tìm cơ hội vào trường khác.
Đại diện trường này cũng cho biết thêm, nếu lấy điểm chuẩn vào các ngành sư phạm bằng điểm sàn thì cũng chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển nên trường đã quyết định nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh. Không chỉ có trường ĐH Đồng Nai mà một vài trường ĐH địa phương (trường công) điểm chuẩn khá thấp, lượng thí sinh trúng tuyển thưa thớt.
Chủ yếu là các trường có nhiều ngành sư phạm "trắng" thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia.
Nhiều trường 'trắng' thí sinh
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, sau khi kết thúc đợt xét tuyển lần I, cho thấy, khoảng 49% đơn vị tuyển sinh có số thí sinh trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên. Có 26% đơn vị tuyển được dưới 50% chỉ tiêu và 7% đơn vị không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo. Như vậy, năm 2019 có 334 mã trường xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia thì kết quả có hơn 20 trường không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo.
Tính đến hôm qua ngày 11/8, hầu hết các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã hoàn tất công tác công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường năm 2019 theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia.
Điểm chuẩn nhiều ngành của Trường ĐH Đồng Nai được trường đẩy lên cao
Điểm chuẩn từ 18,5 - 24,7, Trường Đại học Đồng Nai có điểm chuẩn một số ngành cao chót vót, lên tới hơn 24 điểm. Cụ thể, ngành Sư phạm Vật lý lấy điểm chuẩn 24,7 điểm; Sư phạm Lịch sử là 22,6 điểm. Mặc dù điểm chuẩn cao nhưng những ngành bị đẩy điểm chuẩn đều không có thí sinh nào trúng tuyển.
Các ngành Giáo dục Mầm non, Sư phạm Hóa học của nhà trường cũng lác đác khoảng 15 thí sinh trúng tuyển.
Trường Đại học Đồng Nai tuyển đến 14 ngành, thế nhưng có đến 4 ngành không có thí sinh nào trúng tuyển, gồm: Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Lịch sử và Quản lý đất đai.
PGS-TS Lê Kính Thắng – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đồng Nai cho biết: "Khi họp bàn phương án xác định điểm chuẩn, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã thống nhất nâng điểm chuẩn một số ngành lên mức cao hơn mức điểm cao nhất của thí sinh có thể trúng tuyển. Lý do nhà trường phải nâng điểm chuẩn là vì những ngành này chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển, không đủ để mở lớp. Trường cố tình nâng điểm chuẩn, đánh trượt thí sinh (đáng lẽ có thể đỗ vào trường), để các em có cơ hội tham gia xét tuyển các nguyện vọng khác".
Không khá hơn, trường ĐH Hùng Vương TP.HCM cũng nâng điểm chuẩn năm 2019 hai ngành Công nghệ sau thu hoạch và Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng để đánh rớt thí sinh. Hai ngành này có điểm chuẩn khá cao là 22 và 20 điểm. Ngành Công nghệ sau thu hoạch có 2 thí sinh xét tuyển, còn ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng chỉ có 1 thí sinh xét tuyển.
Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng trường ĐH Năm 2018, nhiều trường sư phạm khó tuyển sinh, nhiều ngành sư phạm “trắng” thí sinh đành nâng điểm để thí sinh bị trượt.
Năm 2018 Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã nâng điểm chuẩn lên 23 để loại thí sinh duy nhất đăng ký vào trường.
Cùng cảnh, hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) cho biết, năm nay trường chỉ có 3 thí sinh đăng ký xét tuyển, không có thí sinh nào trúng tuyển ĐH. Mấy năm nay không tuyển được sinh viên do duy trì hoạt động bằng các lớp đào tạo thạc sĩ, đào tạo liên kết.
Tình trạng Trường ĐH Phú Yên, ngoại trừ các ngành sư phạm có điểm bằng sàn theo quy định (18 điểm), các ngành còn lại đều có điểm chuẩn là 14. Mặc dù điểm chuẩn thấp nhưng chỉ có 76 thí sinh trúng tuyển đợt 1 bằng xét tuyển điểm thi THPT quốc gia. Số thí sinh trúng tuyển ở nhiều ngành khác của nhà trường chỉ đếm chưa đủ đầu ngón tay.
Cụ thể, ngành sư phạm tiếng Anh chỉ có 3 thí sinh trúng tuyển, Sư phạm lịch sử chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển, sư phạm toán có 2 thí sinh trúng tuyển. Sư phạm tin học, sư phạm hóa học, sư phạm sinh học, sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử, hóa học, sinh học, vật lý học, văn học không có thí sinh nào trúng tuyển.
Cũng trong tình cảnh tương tự, Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) chỉ có 77 thí sinh trúng tuyển. Hai ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học số thí sinh trúng tuyển (32 thí sinh). 45 thí sinh còn lại chia cho các ngành dẫn đến nhiều ngành chỉ có 1, 2 thí sinh trúng tuyển.
Trường ĐH Quảng Bình có 141 thí sinh trúng tuyển bằng cách xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia sau đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển vào một số ngành như sau: Giáo dục chính trị chỉ có 3 thí sinh, sư phạm lịch sử 1, quản lý tài nguyên rừng 1, phát triển nông thôn 2…
Điểm chuẩn đợt 1 vào trường là 18 với các ngành sư phạm, 15 với các ngành ngoài sư phạm. Tuy nhiên đến nay hàng loạt ngành sư phạm bậc ĐH vẫn chưa tuyển được thí sinh nào.
Nhiều trường ĐH công lập khác cũng có điểm chuẩn khá thấp như Trường ĐH Bạc Liêu lấy điểm chuẩn 14 cho tất cả các ngành. Trường ĐH Hà Tĩnh, ngoài các ngành sư phạm, các ngành còn lại đều có điểm chuẩn 13,5.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - lưu ý các trường đào tạo sư phạm, nếu có quá ít thí sinh không đủ mở lớp, trường ĐH đó cần sớm thông tin để thí sinh thay đổi nguyện vọng.
Nhiều trường ĐH chỉ hơn 3 điểm/môn trúng tuyển
Nhiều trường ĐH địa phương có điểm chuẩn rất thấp, chỉ hơn 3 điểm/môn trúng tuyển.
Trường ĐH Quảng Nam đào tạo 13 ngành hệ ĐH chính quy thì trừ 6 ngành đào tạo sư phạm với điểm chuẩn bằng đúng điểm sàn quy định của Bộ GD&ĐT (18 điểm). 7 ngành đào tạo cử nhân đều lấy điểm chuẩn là 13 điểm bao gồm cả điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng. Như vậy, thí sinh thì chỉ cần đạt hơn 3 điểm/ môn là đã trúng tuyển.
Trường ĐH Hà Tĩnh chỉ có 5 ngành sư phạm điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT, 13 ngành còn lại, điểm chuẩn chỉ có 13,5 điểm. Như vậy, có thể nói với mức điểm chuẩn chỉ 13 điểm hay 13.5 điểm thì năng lực của thí sinh vào một số trường ĐH ở mức rất thấp.
Hiện nay, việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường. Các trường lấy điểm chuẩn thấp, Bộ GD & ĐT không có quyền can thiệp mà chỉ khuyến cáo các trường đó nên cân nhắc trong việc quyết định chính sách chất lượng của trường mình. Khi điểm chuẩn quá thấp, các trường đó cần tự xác định vị thế chất lượng thấp của mình trong hệ thống giáo dục.
Thí sinh làm thủ tục nhập học năm 2019
Đa số các trường đại học tại địa phương ở Việt Nam được thành lập nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn phục vụ cho nhu cầu phát triển tại địa phương đó. Tuy nhiên hiện nay có quá ít thí sinh đăng ký xét tuyển đã dẫn đến hệ lụy nhiều trường quyết định dừng đào tạo một số ngành nghề.
Vấn đề các trường ĐH, CĐ nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh đây không phải lần đầu mà từng xảy ra từ năm 2018 khi hàng loạt các trường CĐ địa phương cũng công bố điểm chuẩn cao nhưng lại không có thí sinh trúng tuyển. Từ những khó khăn hiện nay của một số trường ĐH địa phương, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có biện pháp để giải quyết những trường hợp này.