Kỳ thi THPT Quốc Gia
Nhiều trường đại học, cao đẳng sẽ tăng học phí trong năm học mới
Theo Chủ trương của Chính phủ năm học 2019- 2020 tiếp tục thực hiện lộ trình tăng mức trần học phí các trường Đại học, các trường đại học công lập phải tự chủ hoàn toàn nên để đảm bảo việc đào tạo có chất lượng, các trường buộc phải tăng học phí.
Cơ chế tự chủ sẽ áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học – cao đẳng công lập. Theo Luật, các trường tự chủ được quyền tự xác định học phí tuy nhiên không phải trường nào cũng sẽ tăng. Sự thay đổi này đã kéo gần khoảng cách học phí giữa trường Đại học – Cao đẳng công lập và trường Đại học – Cao đẳng dân lập.
Tăng học phí là xu thế bắt buộc trong hội nhập giáo dục
Nhiều trường Đại học, Cao đẳng công lập cho biết việc tăng học phí là xu thế bắt buộc trong hội nhập giáo dục. Chất lượng giáo dục cần được nâng cao hơn nên tăng học phí sẽ giúp nhà trường có nguồn tiền để đầu tư cho điều kiện học tập, tăng chất lượng đào tạo.
Từ trước đến nay, các trường đại học công lập chưa tự chủ vì được Nhà nước bao cấp và cấp kinh phí hỗ trợ theo số lượng sinh viên. Nghĩa là, người học chỉ phải đóng một phần học phí trong chi phí đào tạo. Tuy nhiên, đến nay khi các trường tiến hành tự chủ thì nguồn bao cấp từ Nhà nước sẽ bị cắt. Vì vậy để có kinh phí duy trì đào tạo, trả lương cho giảng viên, đầu tư trang thiết bị giáo dục, các trường đại học sẽ buộc phải tăng học phí theo khung trần đã được Chính phủ quy định khi tiến hành tự chủ.
Tăng học phí sẽ khiến cho người học phải cân nhắc kỹ lưỡng 1 trong các lựa chọn trường học, ngành học để ra trường có thể làm việc. Tuy nhiên, vì học phí tăng mà có không ít sinh viên hoàn cảnh khó khăn không kham nổi, học phí tăng khiến cánh cổng trường Đại học ngày càng khép chặt hơn.
Tăng học phí là xu thế bắt buộc trong hội nhập giáo dục?
Chủ trương các trường vẫn giữ học phí thấp để người nghèo có thể theo học là một cách tiếp cận sai lầm vì theo ý kiến của nhiều chuyên gia, học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên nghèo mà mọi chi phí phải dựa vào ngân sách nhà nước vì thế chỉ sinh viên từ gia đình khá giả mới đi học đại học được. Giữ học phí thấp tức là lấy tiền của người nghèo để nuôi người giàu.
Theo Nghị định 86, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học cao đẳng, trung cấp các cơ sở giáo dục công lập tự chủ cần đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư năm học 2019-2020 sẽ không tăng. Thống kê hiện cả nước đã có 23 trường đại học tự chủ. Hiện tại, học phí của các trường tự chủ hệ đại trà 15-19 triệu đồng/năm, thấp hơn nhiều so với trường tư.
Điều 65, Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 vừa qua, học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục đại học để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo.
Với các trường đại học công lập thực hiện quyền tự chủ và có khả năng tự chủ toàn bộ kinh phí chi thường xuyên sẽ được tự chủ xác định học phí. Tuy nhiên điều kiện tăng học phí đi kèm là các trường phải có đủ các điều kiện như thành lập hội đồng trường, hội đồng đại học, được công nhận đạt chất lượng cơ sở giáo dục, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính.
Do Luật giáo dục đại học mới có hiệu lực từ 1/7, hiện nhiều trường đại học công lập chưa kiện toàn và chưa có chính sách tài chính nên vẫn áp dụng mức thu theo Nghị định 86. Vì vậy mức trần học phí đối khối ngành chuyên ngành đào tạo khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản là 1.850.000 đồng/sinh viên/ tháng; Khối ngành chuyên ngành đào tạo Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch là 2.200.000 đồng/sinh viên/ tháng; Y dược là 4.600.000 đồng/sinh viên/ tháng. Tương tự với các ngành trên ở bậc trung cấp lần lượt là 1.295.000 - 1.540.000- 3.220.000 đồng/sinh viên/tháng. Cao đẳng lần lượt là 1.480.000 - 1.760.000 - 3.680.000 đồng/sinh viên/tháng.
Năm nay, Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM thu học phí hệ đại trà: 16,5 triệu đồng/năm cho khối ngành KHXH, Kinh tế; 18,5 triệu đồng/năm cho khối ngành kỹ thuật, công nghệ; Học phí chương trình chất lượng cao tiếng việt: 27 triệu đồng/năm cho khối ngành KHXH, Kinh tế; 28 triệu đồng/năm cho khối ngành kỹ thuật, công nghệ; Học phí chất lượng cao tiếng Anh: 30 triệu đồng/năm;Học phí chương trình đào tạo quốc tế: từ 35 - 50 triệu đồng/năm.
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại trường năm 2019
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM năm 2019 cũng thu theo Nghị định 86. Mức thu từ 18.000.000 đồng - 20.000.000 đồng/sinh viên/năm, theo từng ngành học. Tính ra tín chỉ thì hệ đại học là 540.000 đồng/tín chỉ lý thuyết và 700.000 đồng/tín chỉ thực hành. Cao đẳng chính quy là 355.000đồng/tín chỉ lý thuyết và 460.000đồng/tín chỉ thực hành.
Các ngành đại trà Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng thu khoảng 18.500.000 đồng/sinh viên/năm. Trong khi đó, các ngành chất lượng cao từ 32-40 triệu/sinh viên/năm tùy ngành.
Các trường tự chủ khác như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Trường ĐH Điện lực, Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội, Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Luật TP. HCM... cũng thu theo Nghị định 86.
Riêng đối với Khoa Y- ĐH Quốc gia TP.HCM, học phí ngành Y khoa chất lượng cao là 56 triệu đồng/năm, ngành Dược học chất lượng cao là 50 triệu đồng và Răng Hàm Mặt chất lượng cao là 80 triệu đồng.
Theo đó, trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng tăng mức thu học phí bình quân tối đa năm học 2019 - 2020 lên 20.400.000 đồng/sinh viên/năm, tăng 1.200.000 đồng so với năm học trước. Nhóm Y dược hệ Trung cấp 910.000 đồng/sinh viên/ tháng (tăng 80.000 đồng/ tháng); Hệ Cao đẳng 1.040.000 đồng/sinh viên/ tháng (tăng 100.000 đồng/sinh viên/tháng).
Theo Nghị định 86, năm nay học phí Trường ĐH Y dược TP.HCM vẫn 13 triệu/sinh viên/ năm. Trong đề án tuyển sinh trường này cho hay, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/ năm là hơn 23 triệu.
Trong khi đó Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch lại có hai mức học phí cho hai đối tượng sinh viên. Sinh viên có hộ khẩu TP HCM thu 11,8 triệu đồng/sinh viên/năm, còn nếu thu theo tín chỉ là 305.000 đồng/tín chỉ. Sinh viên thuộc địa phương khác phải đóng 23,6 triệu đồng/sinh viên/năm, hay 605.000 đồng/tín chỉ. Hiện vẫn đang chờ phê duyệt tự chủ từ Ủy ban nhân dân TP.HCM, nếu được thông qua mức học phí của học sinh có hộ khẩu TP.HCM là 30 triệu/sinh viên/năm hay 770.000 đồng/tín chỉ. Học sinh hộ khẩu ngoài TP.HCM là 44 triệu/sinh viên/năm hay 1.228.000 đồng/tín chỉ.
Hiện tại, nhiều trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM chưa tự chủ sẽ tăng khoảng 10% theo Nghị định 86. Nhiều trường hiện nay chưa chưa tự chủ như Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên... và các trường đại học khác chưa tự chủ cũng sẽ thu theo mức đã quy định trong Nghị định 86.
Qua bài viết này các em thí sinh có thể tự cân đối và chuẩn bị kinh phí cho quãng đường dài học tập tại trường làm sao để tránh bị ngắt quãng vì chọn trường có học phí quá cao nhưng chất lượng đào tạo lại không xứng đáng. Cụ thể học phí của một số trường Đại học trên cả nước các em có thể tham khảo trên các website của nhà trường.
Nguồn: Cao đẳng y tế Khánh Hòa tổng hợp