Kỳ thi THPT Quốc Gia
Nâng điểm chuẩn cao đánh trượt toàn bộ thí sinh là sai quy chế, vô trách nhiệm
Thí sinh Nguyễn Minh Quân (19 tuổi, ở Nhơn Trạch, Đồng Nai) đăng ký nguyện vọng 1 vào ĐH Sư phạm TP.HCM, nguyện vọng 2 là ĐH Sài Gòn và nguyện vọng 3 ĐH Đồng Nai Quân đạt 22,3 điểm tuy nhiên vẫn trượt ĐH vì trường ĐH Đồng Nai đã nâng điểm chuẩn lên 24,7 để đánh trượt thí sinh.
Nguyễn Minh Quân cho hay đây là năm thứ hai em thi ĐH. Với tổ hợp A1 (toán - lý - Anh), thí sinh này đạt 22,3 điểm, đăng ký nguyện vọng 1 vào ĐH Sư phạm TP.HCM, nguyện vọng 2 là ĐH Sài Gòn và nguyện vọng 3 ĐH Đồng Nai.
“Ban đầu em không định đăng ký trường này nhưng thấy biết được 22,3 điểm mà chỉ tiêu ngành chỉ có 10 thí sinh nên tự tin sẽ trúng tuyển. Vì mọi năm, ngành này ĐH Đồng Nai cũng chỉ gần 20 điểm. Thế nhưng khi thấy điểm chuẩn lên tới 24,7 thì em hết hồn và biết mình đã trượt ĐH. Trường đã đẩy điểm chuẩn thật cao để cố tình đánh trượt tất cả thí sinh. Có thí sinh, nguyện vọng đó lại là nguyện vọng cuối cùng, nên khi bị đánh trượt đã mất cơ hội xét tuyển đợt 1.
Nguyễn Minh Quân cho hay, cho đến giờ, em chưa nhận được bất cứ một thông báo nào của trường ĐH Đồng Nai cố tình nâng điểm chuẩn thật cao để đánh trượt thí sinh. Cũng theo Quân, nếu nhà trường liên hệ sớm thì em đã không đăng ký nguyện vọng vào trường và sẽ chọn ngành khác.
Minh Quân đăng ký 3 nguyện vọng vào đại học và trượt cả 3 nguyện vọng
Được biết, đây là năm thứ hai Minh Quân thi và đăng ký ngành sư phạm Vật lý vào trường ĐH Đồng Nai. Năm 2018, thí sinh này cũng đỗ vào trường, nhưng cũng với lý do trường không đủ điều kiện mở lớp vì không đủ số lượng sinh viên theo học, Quân được nhà trường thông báo cho đổi sang nguyện vọng khác của trường phải là ngành Sư phạm Toán học. Tuy nhiên em chỉ học hết một học kỳ vì đam mê môn Lý, Quân đã quyết tâm thi lại năm nay.
Minh Quân cho biết: “em chỉ mong nếu không được học ngành sư phạm Vật Lý thì vẫn có thể theo học tại một trường nào đó liên quan đến môn em yêu thích. Vì thế, sắp tới khi các trường ĐH còn tuyển sinh bổ sung đợt 2, em sẽ lựa chọn trường nào đó có ngành này phù hợp với điều kiện của mình”.
Vẫn biết, khi Bộ GD và ĐT giao quyền tự chủ thì họ có quyền tuyển sinh bao nhiêu sinh viên đưa ra điểm chuẩn như thế nào là quyền của trường. Nhưng không có nghĩa vì thế mà các trường sai với quy chế tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT ban hành, vô trách nhiệm với thí sinh đăng ký xét tuyển khi chặn mất cơ hội để các em trúng tuyển vào trường.
Năm 2019, Trường ĐH Đồng Nai, ngành sư phạm vật lý lấy điểm chuẩn 24,7; sư phạm ngữ văn là 22,6 nhưng không có thí sinh nào trúng tuyển. Không chỉ hai ngành sư phạm Vật lý và sư phạm Ngữ văn mà nhiều ngành khác của trường này dù có điểm chuẩn cao nhưng không có thí sinh nào trúng tuyển như ngành sư phạm sinh học (18,5 điểm), quản lý đất đai (20,8 điểm).
Trả lời về trường hợp của Nguyễn Minh Quân, TS Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Đồng Nai, cho biết nhà trường rất tiếc và nhận lỗi với thí sinh về việc nâng điểm chuẩn cao đánh trượt thí sinh để không ai trúng tuyển nhưng không thể làm khác được.
Ngành Sư phạm Vật lý chỉ có 3 thí sinh trúng tuyển. 3 sinh viên, theo quy định của Bộ GD&ĐT, là không đủ tiêu chuẩn mở lớp đào tạo. Trường buộc phải lấy điểm 24,7 để các em này trúng tuyển nguyện vọng khác.
Theo đó, hiệu trưởng ĐH Đồng Nai cũng cho biết, trong lúc còn thời gian điều chỉnh nguyện vọng, nhà trường có thông báo, gặp gỡ thí sinh đăng ký nguyện vọng vào một số ngành của ĐH Đồng Nai, khuyên các em thay đổi nguyện vọng sang ngành khác. Có thể thí sinh Nguyễn Minh Quân không nhận được thông báo nên không đến để trao đổi nên không chuyển nguyện vọng.
Trường hợp thí sinh Nguyễn Minh Quân, nếu em vẫn muốn học đại học gần nhà và tại trường, có thể nộp hồ sơ xét tuyển đợt 2 vào ngành Sư phạm Hóa học.
Nâng điểm chuẩn cao đánh trượt toàn bộ thí sinh là sai quy chế, vô trách nhiệm
Mùa tuyển sinh 2019 lại tiếp tục tái diễn tình trạng trường đại học nâng điểm chuẩn lên cao để đánh rớt thí sinh trúng tuyển. Trước đó, phát biểu tại hội nghị về công tác tuyển sinh 2019 và thực hiện luật sửa đổi bổ sung một số điều giáo dục đại học ngày 17/7 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho biết các trường đại học năm 2019 không đủ điều kiện mở lớp, cần chủ động thông báo cho thí sinh sớm để các em thay đổi nguyện vọng, tránh trình trạng tự động nâng điểm chuẩn cao để đánh trượt sĩ tử như năm 2018.
Trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định việc các trường Đại học năm nay tự ý nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh là sai với quy chế tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT ban hành. Ông Bình cho rằng phương án này là vô trách nhiệm, không hợp tình, hợp lý công bằng đối với sinh viên.
Năm ngoái, ĐH Đồng Nai cũng đã nâng điểm chuẩn ngành Sư phạm Sinh học và Sư phạm Lịch sử lên mức 22,5 điểm để đánh trượt toàn bộ thí sinh vì quá ít người theo học.
Năm 2019, trường tiếp tục thông báo điểm chuẩn cao bất thường cho một số ngành như Sư phạm Vật lý (24,7), Sư phạm Lịch sử (22,6), Quản lý Đất đai (20,8 điểm).
Đây không phải trường duy nhất cố tình nâng điểm để đánh trượt thí sinh trong năm nay, nếu Bộ GD&ĐT không có biện pháp can thiệp thì không có gì đảm bảo tình trạng tương tự sẽ không tiếp diễn trong đợt tuyển sinh tiếp theo, thậm chí ở nhiều trường hơn. Vậy ai sẽ là người chịu thiệt thòi trong các phương án của trường ĐH?
Điểm trúng tuyển cao bất thường 3 ngành của ĐH Đồng Nai
Theo luật sư Diệp Năng Bình, quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy quy định các trường ĐH, CĐ phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của mình và trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi thi THPT quốc gia.
Các trường chịu trách nhiệm công bố, thông báo tới thí sinh có liên quan công khai trước ít nhất 10 ngày, tính đến ngày đầu tiên thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Các trường không công khai đầy đủ thông tin theo quy định sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 25 của quy chế.
Khoản 3 của Điều 25 quy định cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người khác nếu ban hành các quyết định liên quan công tác tuyển sinh trái với các quy định của quy chế, tổ chức tuyển sinh không đúng với các quy định trong đề án tuyển sinh đã công bố.
Luật sư Bình cũng cho rằng Trường có quyền tự chủ tuyển sinh nhưng phải theo quy chế không thể nâng điểm cao để không ai trúng tuyển không đem lại sự công bằng cho thí sinh, đánh mất cơ hội học tập của các em.
Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - cho rằng trong trường hợp quá ít thí sinh, trường không đào tạo được cần có biện pháp xử lý hợp tình, hợp lý hơn, đồng thời giải thích minh bạch. Trường ĐH không đủ chỉ tiêu cần liên hệ những nơi tuyển cùng ngành nghề, thương lượng chuyển thí sinh đến trường khác tuyển sinh ngành tương tự để sắp xếp cho thí sinh theo học. Đây là phương án hợp tình, hợp lý, thể hiện thái độ có trách nhiệm của trường đối với thí sinh.