Kỳ thi THPT Quốc Gia
Bộ Y tế khẳng định Hoàng Công Lương chỉ vi phạm hành chính
Trước tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương chịu 42 tháng tù về tội Vô ý làm chết người, Bộ Y tế đã gửi công văn đến TAND và VKSND tỉnh Hòa Bình nêu quan điểm trong vụ việc này. Bộ Y tế khẳng định Hoàng Công Lương chỉ vi phạm hành chính.
Ngày 13/5, TAND tỉnh Hòa Bình dự kiến xét xử phúc thẩm cựu bác sĩ Hoàng Công Lương (36 tuổi) và 4 bị cáo có đơn kháng án trong vụ 9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo. Vụ án chạy thận nhân tạo đã gây nhiều tranh cãi và kéo dài gần một năm khi phiên sơ thẩm bị hoãn hai lần và một lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Bộ Y tế đã gửi công văn đến TAND và VKSND tỉnh Hòa Bình, đề nghị xét xử vụ án khách quan, công tâm, khoa học đối với bác sĩ Hoàng Công Lương. Bộ Y tế cho rằng lỗi của cựu bác sĩ Hoàng Công Lương là lỗi hành chính chứ không tác động trực tiếp lên cái chết của 9 bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình.
Theo đó, Bộ Y tế cũng đánh giá kết quả sơ thẩm định tội danh và tuyên án của tòa đối với các bị cáo còn thiếu khách quan và chưa đảm bảo khoa học pháp lý. Cụ thể, Bộ Y tế khẳng định tội "vô ý làm chết người" là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình tác động vào cơ thể nạn nhân có khả năng gây ra chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước, hoặc tuy thấy trước hành vi tác động vào cơ thể nạn nhân của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa
Về chủ thể của tội danh này, trong quan hệ pháp luật là chủ thể thường như lái xe vô ý gây chết người hay người vô tình đẩy ngã, bắn nhầm, cho ăn gây chết người. Nhưng ở vụ án này, bị cáo Lương là bác sĩ - là chủ thể đặc thù nên hành vi của Hoàng Công Lương khi ra y lệnh là hành vi cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, trong hoạt động chuyên môn kỹ thuật. Do đó, xác định chủ thể tội danh này đối với bác sĩ Lương là không thuyết phục. Về khách thể, người phạm tội "Vô ý làm chết người" cũng có những hành động tương tự hành vi của tội "Giết người", chỉ khác ở chỗ thái độ tâm lý của người phạm tội đối với cái chết của nạn nhân là không mong muốn, không bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra, nên nếu không có sự tác động đến thân thể nạn nhân thì không phải là hành vi khách quan của tội danh này, theo Bộ Y tế phân tích.
Vì vậy theo bản án sơ thẩm trước đó kết luận rằng bị cáo Lương ký đề xuất sửa chữa, nhưng chưa nhận lại bàn giao, hoặc chưa hỏi người có trách nhiệm sửa chữa, hay có thẩm quyền để biết nước chạy thận đã an toàn mà đã ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả. Xác định lỗi 'vô ý do cẩu thả' là chưa phù hợp với hành vi khách quan của tội danh này, vì lỗi này là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp lên cái chết của nạn nhân", Bộ Y tế cho biết thêm.
Bộ Y tế nhận định lỗi của Hoàng Công Lương là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp đến cái chết của bệnh nhân. Từ đó, cơ quan này cho rằng hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Từ khi bị khởi tố đến lúc đưa ra xét xử sơ thẩm, bị cáo Hoàng Công Lương liên tục kêu oan cho rằng đã làm tròn trách nhiệm của một "bác sĩ chữa bệnh cứu người chứ không phạm tội như bị truy tố".
Bị cáo Hoàng Công Lương ba lần bị thay đổi tội danh, từ Vi phạm quy định về khám chữa bệnh sang Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và giờ là Vô ý làm chết người. Bộ cho rằng Công an tỉnh Hòa Bình đã lúng túng do không đủ cơ sở buộc tội.
“Trường hợp tòa án phúc thẩm vẫn tuyên án tội danh vô ý làm chết người với bị cáo Hoàng Công Lương, sẽ tạo ra tiền lệ vô cùng nguy hiểm trong ngành y. Vì ai cũng có thể bị điều tra, truy tố xét xử. Nhân viên y tế nào dám trực tiếp tham gia công tác cứu chữa người bệnh khi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không trừ ai", Bộ nêu quan điểm.
Buồng chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình, nơi xảy ra sự cố y khoa
Để chuẩn bị cho phiên xử phúc thẩm dự kiến diễn ra ngày 13/5 tới đây, Bộ Y tế cho biết đã tổng hợp các ý kiến chuyên gia về pháp lý, trang thiết bị y tế, hóa học để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Lương.
Trong thông báo mới nhất trước phiên phúc thẩm ngày 13/5 tới, bác sĩ Hoàng Công Lương xin từ chối 9 luật sư đã "gỡ tội" cho mình tại phiên sơ thẩm hồi tháng 2 và chỉ mời một luật sư bào chữa.
Nguồn: vnexpress.net