Tin tức
Thói quen lấy ráy tai tại quán gội đầu, người đàn ông bị mắc bệnh sùi mào gà
Do thường xuyên lấy ráy tai ở một quán cắt tóc quen, người đàn ông họ Hoàng (70 tuổi, ở Đài Loan, Trung Quốc) thấy có nhiều biểu hiện lạ như bị ù tai và mất dần khả năng nghe. Khi đi khám ông mới tá hỏa biết mình bị sùi mào gà.
Không chỉ ngứa ngáy khó chịu như có dị vật bên trong, khi dùng bông tai vệ sinh bên trong, ông thấy chảy mủ trắng kèm theo những tia máu và nghiêm trọng hơn khi ông bắt đầu không nghe được.
Đi khám tai tại Bệnh viện thành phố Nam Đầu, Bác sĩ Ngô Thiệu Khoan, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nam Đầu, cho biết sau khi dùng ống soi tai, các bác sĩ phát hiện trong lỗ tai của ông Hoàng có nhiều mụn thịt mọc chi chít nên đã lấp toàn bộ lỗ tai nên ảnh hưởng đến thính lực.
Hình ảnh nội soi bị sùi mào gà bên trong tai của nạn nhân
Những mụn thịt này được các bác sĩ chẩn đoán là sùi mào gà, một bệnh hay gặp ở bộ phận sinh dục nam và nữ. Đây là lần đầu tiên bác sĩ Ngô gặp một bệnh nhân bị sùi mào gà trong lỗ tai. Điều trị bệnh sùi mào gà ở lỗ tai cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với những bộ phận khác.
Được biết, ông Hoàng hay đi cắt tóc gội đầu tại một tiệm quen gần nhà, ở đây có các dịch vụ như gội đầu, cắt tóc, làm móng, cạo râu, lấy ráy tai nên lần nào đến đây ông cũng yêu cầu làm dịch vụ ngoáy tai. Theo ông Hoàng thì những nhân viên tại quán này không dùng dụng cụ vệ sinh một lần như tăm bông mà bằng những cây vệ sinh lỗ tai bằng kim loại. Sau khi sử dụng cho nhiều khách khác nhau có thể những dụng cụ ấy không được vệ sinh hoặc diệt khuẩn trước khi sử dụng nên đó là nguyên nhân lây bệnh sùi mào gà.
Nam bệnh nhân sau khi đi khám đã được điều trị và loại bỏ những nốt sùi mào gà trong lỗ tai và đang dần hồi phục thính lực. Tuy nhiên để điều trị triệt để thì chưa rõ đến khi nào bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn vì khi vào cơ thể, virus HPV sẽ tồn tại suốt đời khi hệ miễn dịch suy yếu. Do bản chất bệnh sùi mào gà gây ra bởi virus nên các phương pháp đốt này chỉ loại bỏ được các nốt sùi chứ không tiêu diệt được virus. Sau một thời gian có thể virus sẽ tái phát lại nên bệnh nhân phải định kỳ thăm khám, trung bình 2-3 tuần/lần trong vài tháng để điều trị triệt để các tổn thương.
Qua trường hợp bệnh nhân Hoàng tại Trung Quốc, bác sĩ Ngô cũng khuyến cáo mọi người không nên dùng chung những dụng cụ vệ sinh cá nhân, khi tiếp xúc với đồ vật ở nhà vệ sinh công cộng thì cần phải chủ động rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ.
Không nên tự ngoáy vào bên trong lỗ tai nếu có phát hiện bất thường vì dễ làm rách màng nhĩ hay gây tổn thương niêm mạc, cần đến cơ sở y tế để chữa trị kịp thời.
Bệnh sùi mào gà là một trong những bệnh lây truyền thường gặp
Theo bác sĩ Ngô, sùi mào gà do virus Human Papiloma Virus (HPV) gây ra, có khoảng 100 type virus HPV, trong đó có khoảng 20-30 type có thể gây ra bệnh sùi mào gà. Virus HPV gây ra là các sẩn nhỏ màu hồng nhạt hoặc bề ngoài trông giống như súp lơ có thể tiến triển thành đám lớn. Những nốt sùi thường mọc ở bộ phận sinh dục, niêm mạc miệng tuy nhiên nó cũng có thể mọc ở những vị trí khác khó phát hiện. Sùi mào gà có thể lây qua tiếp xúc gián tiếp như dùng chung dụng cụ y tế chưa được tiệt trùng, đồ dùng cá nhân của người nhiễm bệnh…
Sùi mào gà là bệnh u lành tính, nhưng khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Bệnh thường phát hiện khi bị ngứa ngáy, khó chịu, chảy mủ, có mùi tanh...Nếu không điều trị sớm thì bệnh có khả năng dẫn đến ung thư.
Tự vệ sinh tai không đúng cách sẽ gây nguy hiểm
Liên quan tới vấn đề viêm nhiễm tai khi tự ngoáy tai, lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ bệnh nhân đến khám và nhập viện do bị viêm tai ngoài gia tăng đột biến trong thời gian qua. Kết quả thăm khám được biết, đa số người bệnh bị viêm tai do vệ sinh tai không đúng cách.
Có trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau nhức tai dữ dội, thậm chí còn có biểu hiện sốt và khó nghe. Các bác sĩ chẩn đoán bị viêm ống tai ngoài và trong ống tai có mủ, bị bội nhiễm. Lý do là vì bệnh nhân đó thường hay có thói quen sử dụng tăm bông để ngoáy tai hàng ngày, nhất là sau khi tắm xong. Theo các bác sĩ, chính việc sử dụng tăm bông sai cách khiến rất nhiều bệnh nhân bị viêm tai và thối tai do mưng mủ, bông tai có thể rơi vào tai không lấy ra được.
Không nên tự vệ sinh tai bằng cách ngoáy tai sâu
Khi dùng tăm bông ngoáy tai, chỉ một phần nhỏ ráy tai bám vào tăm bông, còn một phần ráy tai khác lại bị đẩy theo ống tai về phía màng nhĩ do tác động từ tay nên vô hình chung hình thành một cục lớn. Khi bị đẩy về màng nhĩ, nó sẽ ép lên bề mặt của màng nhĩ, khiến màng nhĩ không thể rung động tự do và do đó gây ra vấn đề về thính lực. Vì vậy, các bác sĩ cảnh báo rằng không nên dùng tăm bông để ngoáy tai vì thực tế nó không có tác dụng nhiều mà còn khiến cho ráy tai chui tọt vào trong.
Theo bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Oxford cũng cho biết những mảng bám trong tai có kết cấu như một băng chuyền, nó di chuyển dọc theo ống tai của bạn đến sâu màng nhĩ. Nếu dùng tăm bông hoặc bất cứ vật dụng khác để làm sạch tai có thể phá vỡ hệ thống làm sạch tự nhiên của đôi tai. Khi ống tai bị che kín bởi ráy tai bám cục thì sẽ cản trở thính lực hoặc gây ra hiện tượng đau nhức. Tốt nhất mọi người không nên tự ý làm sạch tai của mình mà nên đến cơ sở uy tín có người chuyên môn để có thể thực hiện các thủ thuật làm sạch ống tai đúng cách và không gây tổn thương cho tai.