Kiến thức y dược
Thuốc Cefaclor có tác dụng gì? Sử dụng như thế nào?
Thuốc Cefaclor là gì? Thuốc có công dụng điều trị bệnh như thế nào? Những thắc mắc đó của người dùng sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Thuốc Cefaclor là thuốc gì?
Cefaclor có tên hoạt chất là Cefaclor là một loại thuốc thuộc nhóm kháng sinh cephalosporin, được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm tai giữa, nhiễm trùng đường tiết niệu, các tổn thương ngoài da hoặc các bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn đường hô hấp…
Nhóm thuốc: Thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus,kháng nấm
Tên biệt dược : Afeclor cap; Arlico Cefaclor; Bocefac
Thuốc biệt dược mới : Cadicefaclor 500, Cefaclor 125 mg, Cefaclor 250, Cefaclor 250 mg, Cefaclor 500mg, Cefa-TP
Dạng thuốc : Bột pha hỗn dịch uống; Viên nang, viên nén bao phim giải phóng chậm,viên nang cứng
Thành phần : Cefaclor
Thuốc Cefaclor được bào chế dưới nhiều dạng hàm lượng để bạn có thể lựa chọn theo đúng nhu cầu. Có dạng viên nang dùng để uống 250mg và 500mg. Dạng viên nén phóng thích kéo dài dùng bằng đường uống hàm lượng 375mg và 500mg. Ngoài ra, thuốc còn được bào chế dưới dạng hỗn dịch với hàm lượng 125mg, 187mg, 250mg và 375mg. Bạn cũng có thể chọn thuốc Cefaclor dạng viên nhai hàm lượng 125mg, 187mg, dạng 250mg và dạng 375mg.
Thuốc Cefaclor điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới
Tác dụng điều trị bệnh của thuốc Cefaclor
Thuốc Cefaclor được sử dụng nhằm điều trị bệnh nhiễm trùng trên cơ thể do các loại vi khuẩn gây nên. Các hoạt chất trong thuốc sẽ có tác dụng chặn đứng hoạt động của vi khuẩn, làm nhanh chóng lành bệnh. Đây là một loại thuốc kháng sinh do đó nó sẽ không có tác dụng đối với các chứng bệnh do virus như cảm lạnh thông thường, cảm cúm… Bạn cần nắm vững điều này tránh lạm dụng thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Lạm dụng thuốc kháng sinh không những sẽ làm cho hoạt tính chữa bệnh của chúng bị suy giảm mà còn gây hại cho sức khỏe của người bệnh.
Chỉ định
Thuốc Cefaclor được chỉ định cho các nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm sau đây:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, kể cả viêm phổi, gây ra do S. pneumoniae, H. influenzae, S. pyogenes (Streptococcus b tán huyết nhóm A) và M. catarrhalis.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, kể cả viêm họng và viêm amiđan gây ra do S. pyogenes (Streptococcus b tán huyết nhóm A) và M. catarrhalis.
- Viêm tai giữa do S. pneumoniae, H. influenzae, Staphylococci, S.pyogenes, (Streptococcus b tán huyết nhóm A) và M. catarrhalis.
-Hiện nay chưa có các số liệu chắc chắn về hiệu quả của cefaclor trong phòng ngừa thấp khớp hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu bao gồm viêm bể thận và viêm bàng quang do E. coli, P. mirabilis, Klebsiella spp, và tụ cầu coagulase âm tính.
- Cefaclor có hiệu quả trong nhiễm khuẩn tiết niệu kể cả cấp tính lẫn mạn tính.
- Viêm niệu đạo do lậu cầu
- Viêm xoang
- Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da do S. aureus và S. pyogenes (Streptococcus b tán huyết nhóm A)
Cefaclor có hiệu quả trong nhiễm khuẩn tiết niệu kể cả cấp tính lẫn mạn tính
Liều lượng và cách dùng kháng sinh Cefaclor
Cách sử dụng:
Để đảm bảo dùng thuốc Cefaclor đúng cách, bạn cần phải lưu ý một số vấn đề như:
- Chỉ được dùng thuốc bằng đường uống.
- Nên uống thuốc sau khi ăn khoảng 30 phút nếu như bạn bị đau dạ dày. Trường hợp khó chịu ở dạ dày có thể dùng kháng sinh Cefaclor kèm với thức ăn.
- Đối với thuốc được bào chế dạng viên nén, viên nang trước khi uống cần xin chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ. Đồng thời, cần phải kiểm tra thuốc bằng mắt thường để tránh trường hợp thuốc bị đóng cặn hay biến đổi màu sắc. Nếu như phát hiện thấy tình trạng này cần ngưng sử dụng thuốc.
- Tuân thủ đúng theo sự chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng.
- Tuyệt đối không được tự ý tăng hoặc giảm liều lượng khi chưa có sự chỉ định.
- Kháng sinh Cefaclor chỉ hoạt động hiệu quả khi được dùng liều lượng thuốc và duy trì ở mức độ ổn định. Bởi vậy, người bệnh nên dùng thuốc vào những khoảng thời gian phù hợp và cân đối.
- Nếu sau khi sử dụng hết liều lượng và thời gian đã được quy định mà thấy bệnh vẫn không khỏi hoặc có biểu hiện nặng thêm, bạn hãy ngưng dùng thuốc và tìm gặp bác sĩ để được tư vấn cách điều trị hiệu quả hơn.
Liều dùng đối với kháng sinh Cefaclor:
Liều dùng Cefaclor được bác sĩ chỉ định phù hợp với từng đối tượng cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm khuẩn. Do đó, người dùng tuyệt đối không được tự ý tăng hoặc giảm liều khi chưa có sự cho phép của bác sĩ hay dược sĩ.
- Liều dùng Cefaclor đối với người lớn điều trị viêm phổi và viêm phế quản
Liều thường dùng là 250mg, uống 3 lần mỗi ngày, thời gian cách nhau thường là 8 giờ/lần.
- Liều dùng Cefaclor đối với người lớn điều trị viêm xoang:
Liều thường dùng là 250mg, dùng 3 lần/ngày và duy trì điều trị trong 10 ngày.
- Liều dùng Cefaclor đối với người lớn điều trị viêm phổi:
Với trường hợp bệnh trầm trọng hơn (viêm phổi) hoặc nhiễm khuẩn do các vi khuẩn khác ít nhạy cảm hơn cần điều chỉnh tăng liều gấp đôi liều thường dùng.
- Liều dùng Cefaclor đối với người lớn điều trị viêm niệu đạo cấp do lậu cầu ở nam và nữ giới
Liều thường dùng là 3g uống một lần duy nhất phối hợp với 1g probenecid.
Liều dùng thuốc Cefaclor đối với trẻ em
Liều dùng thuốc Cefaclor đối với trẻ em bị chứng bệnh viêm tai giữa: đối với trẻ 1 tháng tuổi/ trên 1 tháng tuổi: dùng dạng phóng thích nhanh với uống liều dùng 20 - 40mg/kg/ngày và được chia thành các liều dùng. Tuy nhiên, liều dùng thuốc không được vượt quá 1g/ ngày. Theo đó, thời gian điều trị ít nhất trong vòng 10 ngày.
Liều dùng thuốc Cefaclor đối với trẻ em bị viêm amidan/ viêm hầu: trẻ 1 tháng tuổi/ trên 1 tháng tuổi các bác sĩ sẽ chỉ định dùng liều 20 - 40mg/kg/ngày và được chia thành nhiều liều dùng. Thời gian điều trị thuốc có thể kéo dài 10 ngày.
Liều dùng thuốc Cefaclor đối với trẻ em bị viêm bàng quang: các bác sĩ sẽ chỉ định dùng liều 20 - 40mg/kg/ngày và được chia thành nhiều liều dùng thuốc. Không được vượt quá 1g/ ngày.
Liều dùng thuốc Cefaclor đối với trẻ em bị bệnh viêm phổi: liều dùng thuốc Cefaclor sẽ được các bác sĩ chỉ định dùng liều thuốc 20 - 40mg/kg/ngày và được chia lại thành nhiều liều khác nhau.
- Liều dùng thuốc Cefaclor đối với bệnh nhân suy thận, cần điều chỉnh giảm liều Cefaclor. Trong điều trị nhiễm khuẩn do Streptococcus tán huyết cần duy trì điều trị trong thời gian ít nhất là 10 ngày.
Tìm hiểu về những tác dụng phụ của thuốc Cefaclor
Trong thời gian bệnh nhân sử dụng thuốc Cefaclor nếu gặp bất kỳ những phản ứng dị ứng như: cơ thể bị khó thở, bị nổi phát ban, bị sưng mặt, môi, lưỡi, cổ họng, và gây nên tình trạng khó thở cần báo ngay cho bác sĩ được biết.
Trong thời gian dùng thuốc Cefaclor mọi người có thể xảy ra một số tác dụng phụ như:
- Bị tiêu chảy nước hay có thể bị ra máu.
- Bị chảy máu bất thường.
- Cơ thể bị co giật.
- Cơ thể dễ bị bầm tím chảy máu, bị ngứa ran ở mức độ nặng, tê cóng và đau nhức yếu cơ.
- Một số trường hợp bị lú lẫn hay cơ thể bị yếu ớt.
- Bị vàng da da xanh xao, nước tiểu bị sẫm màu lại.
- Cơ thể bị sốt, đau họng và đau nhức đầu kèm theo chứng rộp da, nổi phát ban ở da.
- Cảm giác bị thở hụt hơi và nổi phát ban đỏ ở da
- Cơ thể thường xuyên bị khát nước, biếng ăn, bị sưng phù hay có thể bị tăng cân.
- Cơ thể bị sốt, đau nhức cơ thể và những triệu chứng cảm cúm, những tuyến sưng phù và nổi phát ban, bị ngứa.
Bài viết do giảng viên khoa dược, Cao đẳng Y Dược Nha Trang tổng hợp