Kiến thức y dược
Nguyên nhân và triệu chứng viêm nắp thanh quản
Viêm nắp thanh quản là một loại bệnh đường hô hấp không hay gặp ở trẻ em. Do đó khi trẻ mắc bệnh, nhiều phụ huynh không biết làm thế nào. Để đề phòng cũng như chữa trị đúng cách cho trẻ, cần phải nắm rõ về nguyên nhân cũng như các biểu hiện của bệnh.
Nắp thanh quản là một bộ phận có dạng giống hình lá cây, cấu tạo từ sụn, nằm ở đáy lưỡi. Bộ phận này giúp ngăn chặn các dị vật hoặc thức ăn lọt vào khí quản gây tổn hại cho đường hô hấp. Tuy nhiên, khi bị viêm nhiễm, nắp thanh quản rất dễ bị sưng tấy lên và chặn khí quản lại, gây khó thở và thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh viêm nắp thanh quản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em khoảng từ 2 – 6 tuổi.
Bệnh viêm nắp thanh quản thường xảy ra ở trẻ nhỏ trong tầm 2 – 6 tuổi
Nguyên nhân gây ra viêm nắp thanh quản
Có nhiều yếu tố có thể khiến nắp thanh quản bị sưng viêm, có thể là do các chất lỏng nóng hoặc chấn thương trực tiếp ở cổ họng…
- Nhiễm trùng: một nguyên nhân phổ biến gây ra viêm nắp thanh quản là do vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib). Loại vi khuẩn này lây lan qua dịch cơ thể khi ho hoặc hắt hơi. Ở những người không bị bệnh cũng có thể có Hib trong cổ họng và mũi, nhưng vẫn có khả năng lây bệnh sang người khác. Ngoài ra, cũng còn một vài loại vi khuẩn, virus khác cũng có thể gây viêm nắp thanh quản như: Streptococcus pneumoniae, Streptococcus A, B và C, Varicella zoster…
- Thương tích do tai nạn: những tổn thương tác động trực tiếp vào cổ họng có thể gây ra viêm nắp thanh quản. Nên khi nuốt phải dị vật hay chất lỏng quá nóng sẽ có khả năng khiến nắp thanh quản bị tổn thương và viêm.
Triệu chứng của bệnh viêm nắp thanh quản
Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu sau thì cần đưa đến bác sĩ ngay vì có thể đã mắc bệnh viêm nắp thanh quản:
- Đau họng: họng của trẻ đau nhiều trong vài giờ đến mức không ăn uống được gì.
- Sốt cao trên 38 độ C
- Khó thở
- Có tiếng thở bất thường: cổ họng trẻ có những tiếng thở rít khi trẻ thực hiện hô hấp.
- Chảy nước dãi: do đau cổ họng khó nuốt nên trẻ chảy nhiều nước dãi.
Với người lớn thì các triệu chứng sẽ xuất hiện muộn hơn, thường là:
- Đau họng
- Khó thở
- Ngạt giọng hoặc khan giọng
Nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm, viêm nắp thanh quản có thể dẫn đến một số biến chứng. Ví dụ như suy hô hấp (nắp thanh quản bị sưng to sẽ khiến đường khí quản hẹp lại hoặc bị chặn hoàn toàn, dẫn đến thiếu oxi và đe dọa đến tính mạng) hoặc các bệnh nhiễm trùng khác (vi khuẩn gây ra viêm nắp thanh quản có thể lan ra các bộ phận khác gây ra nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não…).
Viêm nắp thanh quản có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho cơ thể
Phương pháp điều trị viêm nắp thanh quản
Đầu tiên cần ưu tiên giúp bệnh nhân có thể thở được dễ dàng nhất. Có thể đeo mặt nạ dưỡng khí hoặc cần thiết thì đặt ống thở vào khí quản cho đến khi nắp thanh quản giảm sưng. Việc này có thể phải kéo dài trong vài ngày. Trường hợp nặng các bác sĩ có thể thực hiện mở khí quản, cho phép không khí vào phổi trực tiếp mà không qua thanh quản.
Tiếp sau đó sẽ sử dụng kháng sinh tiêm tĩnh mạch kết hợp một số loại thuốc khác để điều trị viêm, giúp giảm sưng.
Hiện đối với trẻ em đã có loại vaccine phòng ngừa vi khuẩn Hib, được tiêm 2 – 3 liều vào khoảng tháng thứ 2, 3, 4 và từ 15 – 18 tháng tuổi. Trẻ trên 5 tuổi thường không tiêm vaccine vì ít có khả năng nhiễm loại vi khuẩn này. Do đó bệnh viêm nắp thanh quản đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn những nguyên nhân khác có thể gây bệnh nên vẫn cần chú ý để điều trị kịp thời cho trẻ.
Trên đây là một số chia sẻ về bệnh viêm nắp thanh quản. Hi vọng bài viết đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết để các ông bố bà mẹ có thể chăm sóc sức khỏe cho con trẻ tốt hơn.
Tin tức liên quan

Hướng dẫn cách dùng thuốc Isosorbid dinitrat an toàn
