Tin tức đời sống
Xử phạt tiền chủ nhà nếu để khách ăn cỗ lấy phần
Mới đây, xã Giao Long (huyện Giao Thủy, Nam Định) đã đưa ra yêu cầu phạt tiền những gia đình làm cỗ nếu để khách lấy phần mang về. Chính quyền giải thích cho việc xử phạt trên là để thực hiện nếp sống văn hóa mới.
Cụ thể, theo ông Trần Hoài Nam - Chủ tịch UBND xã Giao Long cho hay, khi gia đình có con cháu lên trụ sở UBND xã đăng ký kết kết hôn, cán bộ xã sẽ tuyên truyền, vận động, không làm cỗ to, không để xảy ra tình trạng ăn cỗ lấy phần.
“Ăn cỗ lấy phần” là một phong tục của nhiều địa phương như Nam Định, Thái Bình…
Bên cạnh đó, xã yêu cầu gia đình chuẩn bị có cỗ cưới phải đặt cọc số tiền 3 triệu đồng và mức tiền này, do chính quyền xã tự đặt ra để đe người dân.
Nếu gia đình nào vi phạm để xảy ra tình trạng khách ăn cỗ lấy phần về sẽ bị UBND xã xử phạt, trừ vào số tiền đã đặt cọc. Cụ thể, nếu 1 người lấy phần có thể phạt 500.000 đồng, 2 người có thể phạt 1.000.000 đồng… và tùy vào mức độ vi phạm xã sẽ xử lý.
Lãnh đạo UBND xã Giao Long cho biết, ngoài tuyên truyền cho gia đình chủ cỗ, xã cũng tuyên truyền cho người dân, khách đến ăn cỗ nghiêm túc thực hiện việc này. Công an xã, cán bộ văn hóa, thôn xóm được giao giám sát tại các gia đình làm cỗ.
Ông cũng cho biết bỏ tục ăn cỗ lấy phần sẽ giảm áp lực cho gia đình chủ cỗ, bởi họ giản tiện mâm cỗ và chỉ làm các món chính để mọi người ăn ngay.
Có cần thiết phải xử phạt phong tục lâu đời này?
Quy định xử phạt văn hóa ăn cỗ lấy phần này đang gây ra nhiều ý kiến khác nhau của dư luận xã hội.
Ăn cỗ lấy phần vốn là một phong tục lâu đời ở một số nơi thuộc các tỉnh như Nam Định, Thái Bình… Bố mẹ, ông bà đi ăn cỗ sẽ lấy phần thịt, giò hoặc nắm xôi, quả trứng về cho con cháu ở nhà. Với nhiều địa phương, đó là nét đẹp và vẫn được lưu giữ đến ngày nay.
Thường những thứ lấy phần đem về phải là những thứ ngon nhất, sạch nhất, có thể gói vào khăn được. Đôi khi ngay từ đầu bữa cỗ người ta đã thỏa thuận thứ sẽ chia phần, để không ai động đũa vào. Phải làm xong việc ấy, ngồi ăn mới ngon. Bởi mỗi người đều biết sự mong ngóng của những đứa con hoặc cháu, kiên nhẫn đứng ngoài ngõ chờ ông bà, bố mẹ đi ăn cỗ về, để được nhận quà.
Hầu như khách đến ăn "cỗ" nhưng chỉ ăn canh miến và món nước
Đám cưới ở Giao Thủy, Nam Định, gia chủ chuẩn bị sẵn 5-6 túi nilon cho khách chia phần. Những món như giò, thịt gà, trứng vịt lộn, tôm… sẽ được người dân chia phần đều nhau rồi cho vào túi mang về. Ai muốn ăn thịt thì ăn trong phần của mình, còn lại không được ăn phần của người khác.
Những thứ còn lại như canh rau, đĩa dưa chua hoặc thịt bò, thịt lợn xào… thì người dân ăn ngay tại mâm.
Trả lời câu hỏi về việc đây là một phong tục văn hóa truyền thống, đưa vào quy chế xử phạt liệu có quá cứng nhắc, ông Nam cho hay: “Chính các cử tri khi đi họp cũng nói rằng, đời sống của người dân khấm khá, những món ăn trong mâm cỗ hầu hết cũng xuất hiện trong các bữa ăn hằng ngày, lấy phần về ăn không hết lại để tủ lạnh hoặc lại bỏ đi gây lãng phí. Vì vậy, họ đề xuất tuyên truyền, vận động, dần dần xóa bỏ thói quen ăn cỗ lấy phần.
Ngoài ra, bỏ tục ăn cỗ lấy phần cũng là giảm áp lực cho gia đình làm cỗ vì ngày trước, cỗ có khi 4-5 đĩa giò nhưng giờ chỉ cần làm 1-2 đĩa. Thay vào đó, bây giờ người dân chủ yếu làm các món xào, nấu để mọi người cùng ăn ngay”.
Ăn cỗ lấy phần sao lại coi thường?
Ăn cỗ lấy phần vốn tồn tại ở một số địa phương miền Bắc không chỉ xuất phát từ hoàn cảnh trước đây khó khăn mà đó là sự kế thừa của truyền thống văn hóa. Ăn cỗ lấy phần vốn để gia chủ có được niềm vui, những người bận rộn không đến dự đám cưới vẫn có thể dùng bữa tại nhà với phần cỗ mang về.
Nhiều bạn trẻ ngày nay sẽ cười ngất và có phần coi thường thói quen mỗi khi ai đó đi ăn cỗ lấy phần đem về
Trước đây, cuộc sống nhiều khó khăn, được bà, mẹ đi ăn cỗ mang về chút thức ăn ngon là rất quý. Hiện nay đời sống người dân khá giả hơn nhưng thói quen của người dân không ai muốn ăn cỗ chỉ ăn một mình, họ muốn sẻ chia một phần thức ăn ấy cho những người thân để bản thân có thêm niềm vui mà những người thân cũng thêm phần ấm áp.
Việc lấy phần cũng không ảnh hưởng đến gia chủ bởi lượng thức ăn thường đủ ăn cho những người dự cỗ nhưng họ ăn ít hơn, để phần chút đỉnh mang về. Hơn nữa, gia chủ không phải lo lắng giải quyết chỗ thức ăn thừa trên mâm cỗ.
“Ăn cỗ lấy phần không có gì là xấu nhưng cái xấu là khách vừa ngồi vào mâm đã chia nhau túi và bọc hết cỗ vào mang về, chỉ ăn mỗi canh và miến. Nhiều mâm ngồi có khách nơi khác đến cũng phải phát ngại”, anh Phan Hoàng, Nam Định chia sẻ.
Nguồn: Tri thức Trẻ (tổng hợp)