Tin tức đời sống
Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Luật sư yêu cầu làm rõ tài liệu mật của Bộ Y tế
Trước khi phiên tòa diễn ra, Bộ Y tế đã gửi một công văn cho TAND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan khác. Do đó, luật sư Hoàng Văn Hướng yêu cầu cần thiết mời Bộ Y tế lên để làm rõ những nội dung Bộ Y tế đã nêu trong Công văn số 41 đã gửi đi. Tại sao Bộ Y tế lại có quan điểm như thế?.
Tại phiên toà phúc thẩm vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình sáng nay, ngày 12/6, bác sĩ Hoàng Công Lương đã bất ngờ không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo.
Phiên phúc thẩm xét xử các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án chạy thận làm 8 người chết, gồm: Hoàng Công Lương, nguyên bác sĩ điều trị khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị y tế; Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn; Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Tại phiên xử, Hoàng Công Lương cũng thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang xin miễn trách nhiệm hình sự thừa nhận tội vô ý làm chết người, xin hưởng án treo. Giải thích về điều này với báo chí, Hoàng Công Lương không trả lời trực tiếp mà nói đã ủy quyền cho luật sư của mình và có quan điểm như vậy.
Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm sáng 12/6
Trước phiên phúc thẩm, vào ngày 10/5, Bộ Y tế cũng đã có một công văn do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến ký, gửi TAND và VKSND tỉnh Hòa Bình, nêu quan điểm của Bộ về vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Trong công văn này, Bộ Y tế nêu quan điểm cho rằng, việc TAND và VKSND tỉnh Hòa Bình sơ thẩm kết tội, tuyên án đối với Hoàng Công Lương cùng các bị cáo khác là chưa phù hợp.
Công văn có nêu: "Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, 42 tháng tù với tội danh Vô ý làm chết người. Nhiều ý kiến cho rằng "mức án này khiên cưỡng, chưa đúng tội danh và thậm chí oan sai". Đề nghị xét xử vụ án khách quan, công tâm, khoa học.
Bộ Y tế cho rằng, trong quá trình điều tra, cơ quan Công an đã 3 lần thay đổi tội danh đối với Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) cho thấy sự lúng túng trong việc xác định tội danh do không đủ cơ sở để buộc tội. Bộ Y tế nhận định, bị cáo Hoàng Công Lương vi phạm lỗi hành chính, không tác động trực tiếp đến cái chết của bệnh nhân. Hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Đối với các ông Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu và Đỗ Anh Tuấn, Bộ Y tế nhận định án sơ thẩm buộc tội họ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không thuyết phục.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đề nghị mời Bộ Y tế lên để làm rõ những nội dung Bộ Y tế đã nêu trong Công văn số 41.
Chủ tọa Nguyễn Văn Vận cho biết: “Chúng tôi dự định sẽ mời Bộ Y tế vào ngày 13/6 vì hôm nay mới chỉ làm thủ tục. Để làm rõ công văn 41 của Bộ Y tế, chúng tôi có mời Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) lên để làm rõ tại sao Bộ Y tế lại có quan điểm như thế”, Chủ tọa Nguyễn Văn Vận nói.
Về Công văn số 41, đây là công văn đóng dấu "Mật" do Bộ Y tế gửi các cơ quan tố tụng xem xét, lưu ý, chứ không được xem là nội dung hồ sơ vụ án. HĐXX không được phép công bố nội dung Công văn 41.
Trước đó, ngày 30-3, TAND TP Hoà Bình tuyên án sơ thẩm Hoàng Công Lương 42 tháng tù về tội Vô ý làm chết người; bị cáo Trương Quý Dương lĩnh 30 tháng tù; Hoàng Đình Khiếu 36 tháng tù; Trần Văn Thắng 36 tháng tù và Đỗ Anh Tuấn 30 tháng tù cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị cáo Trần Văn Sơn (cựu cán bộ Phòng Vật tư) lĩnh 42 tháng tù và Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty Trâm Anh) 54 tháng tù.
Theo Infonet