Tin tức đời sống

Thứ ba: 03/09/2019 lúc 11:57
Nhâm PT

Trào lưu anti vắc xin là thiếu trách nhiệm với con mình và cộng đồng

Trào lưu anti vắc xin với quan điểm “Thuận với tự nhiên” đang bùng lên ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam vì cho rằng tiêm vắc xin mang đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ nào có thể chứng minh vắc xin “có hại” như những lời đồn đoán. Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: “Từ chối tiêm chủng là thiếu trách nhiệm với con”.

Hội nhóm anti vắc xin vẫn không ngừng gây ra các cuộc tranh cãi để lôi kéo mọi người theo trào lưu anti vắc xin. Điều đáng nói là có không ít bậc cha mẹ đã nói không với vắc xin cho con em mình nhưng chuyên gia y tế nhận định đây là hành động mang tội với con trẻ.

Cha mẹ hiện nay từ chối tiêm chủng với quan điểm “thuận với tự nhiên”, những gì theo thuận tự nhiên từ cơ thể mới là tốt nhất, cơ thể có khả năng đề kháng chống lại các bệnh tật mà không cần phải tiêm vắc xin. Đối với một số cha mẹ, họ vô cùng kinh hãi khi cho con đi tiêm vắc xin vì không biết bác sĩ sẽ ghim thứ gì vào da thịt của con mình. Theo đó, cha mẹ có quan điểm cho rằng dù không tiêm chủng trẻ vẫn không mắc bệnh hoặc vắc xin gây hại đến sức khỏe của trẻ, trẻ nào có sức để kháng tốt thì sẽ không bị mắc bệnh. Đây là quan niệm phiến diện, sai lầm.

Không tiêm vắc xin trẻ sẽ dễ bị mắc bệnh

Không tiêm vắc xin trẻ sẽ dễ bị mắc bệnh

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố thông tin cho rằng những người từ chối tiêm phòng vắc-xin cũng được liệt vào những hoạt động vô nghĩa và gây hại đến sức khoẻ con người. Từ chối tiêm vắc xin là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe hàng đầu toàn cầu vào năm 2019. Trong danh sách này còn có các căn bệnh thế kỷ khác bao gồm HIV và Ebola.

WHO cho rằng những hội nhóm anti vắc-xin ngày một phát triển mạnh mẽ là do sự tự mãn, ít tiếp cận, hiểu biết về bản chất của vắc-xin, thiếu tự tin khiến họ không dám cho con em mình tiêm ngừa.

Có những quan điểm phản đối tiêm chủng vắc xin vì lý do tôn giáo, văn hóa hoặc liên quan đến vấn đề tinh thần. Một số khác lại cho rằng sức khỏe con người phụ thuộc vào định mệnh và không nên can thiệp vào số mệnh tự nhiên. Có những người lại vì tuân theo niềm tin tôn giáo không cho phép xâm phạm cơ thể theo cách tiêm chủng; và cuối cùng là nhóm phản đối dựa trên lý lẽ khoa học dưới dạng giả thuyết, không chắc chắn, không thể chính minh rõ ràng vắc xin thực sự có hại như thế nào. 

Nói không với vắc xin cũng đồng nghĩa rằng bạn đang thiếu trách nhiệm với con mình và đi ngược lại với quyền lợi chung của cả cộng đồng. Tiêm vắc-xin hiện nay đang được xem là phương pháp đề phòng tốt nhất các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, rubella... 

Tiêm vắc-xin giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong 

Nhờ sử dụng vắc xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được giảm đáng kể số người mắc bệnh và tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ. Trước khi sử dụng vắc xin, bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 2 triệu người mỗi năm vào năm 1979. Tiêm chủng vắc xin cũng đã mang lại thành tựu lớn đối với sức khỏe toàn cầu như: 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh, số ca mắc bại liệt giảm từ trên 300.000 trường hợp/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 trường hợp năm 2002, số trường hợp tử vong do bệnh Sởi giảm từ 6 triệu trường hợp/năm xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm, số mắc Ho gà giảm từ 3 triệu trường hợp/ 1 năm xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp.

Vắc xin tạo ra khả năng miễn dịch đặc hiệu chủ động, tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Vắc xin là một công cụ rất hiệu quả trong phòng bệnh đặc biệt đối với các bệnh nhiễm trùng. Bởi vì theo chúng ta được biết, bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó.

Hàng năm ước tính có khoảng 115 triệu trẻ em sinh ra được tiêm chủng, chiến dịch tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu phòng được 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm. Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng cho biết: “Tại Việt Nam, trong những năm qua, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt ở mức cao nên đã phần nào góp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em và phụ nữ, giảm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Việt Nam đã laoij trừ được bệnh bại liệt Polio vào năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi…. đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng”.

Tuy nhiên cũng phải nói đến tình trạng nhiều bậc cha mẹ hiện nay vẫn e ngại đưa con đi tiêm chủng hoặc anti vắc xin do có những hiểu biết không đúng về tiêm chủng khiến trẻ nhỏ rất dễ có các biến chứng nguy hiểm, dễ bị mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh.

Thống kê ở nước ta hàng năm vẫn còn khoảng 5-10% trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ

Thống kê ở nước ta hàng năm vẫn còn khoảng 5-10% trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ 

Y tế thế giới coi vắc xin tiêm chủng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thế kỷ 20.Trong báo cáo hàng năm vừa được công bố, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, năm 2018 có khoảng 19,4 triệu trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ, tăng so với con số 18,7 triệu trẻ em trong năm 2017 và 18,5 triệu trẻ em trong năm 2016.

Giám đốc Cơ quan Tiêm chủng của WHO cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm trên thế giới gia tăng trở lại một phần là do phong trào chống vắc-xin do lo ngại những xác suất nhỏ tai biến sau tiêm chủng có thể xảy ra. Điều này đã khiến nhiều bậc cha mẹ không tin tưởng vào vắc-xin. Hiện tượng không cho con tiêm chủng đang ngày càng gia tăng ở Mỹ và châu Âu”.

Tình trạng từ chối tiêm chủng không chỉ phổ biến trên thế giới mà còn âm ỉ bùng phát tại nước ta trong vài năm gần đây. Dù so với hàng triệu gia đình đưa con đi tiêm chủng mỗi năm thì số người từ chối chỉ ở mức thiểu số nhưng ảnh hưởng của tình trạng anti vắc xin này đến cộng đồng là không nhỏ bởi nó gây ra những hiểu nhầm về tiêm chủng.

Trong đánh giá gần đây vào đầu năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá việc từ chối tiêm chủng là một trong 10 yếu tố đe dọa sức khỏe trên toàn cầu. Năm 2018, Ủy ban quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng từ chối và anti vắc xin dẫn tới tỷ lệ tiêm chủng thấp, tổ chức các chiến dịch truyền thông rộng rãi.

Vắc xin là "vũ khí" giúp cộng đồng tránh nguy cơ dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố như vậy vì nhìn ở góc độ khách quan của người làm công tác chuyên môn, đến nay nhiều bác sĩ khẳng định vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh việc tiêm vắc xin gây hại cho người bệnh. Một số trẻ có thể gặp những phản ứng bất lợi sau tiêm vắc xin có thể do yếu tố cơ địa hoặc bệnh lý đi kèm, tuy nhiên đó chỉ là yếu tố mang tính cá thể, không phải hoàn toàn bị như vậy. 

Trong quá trình phát triển, xã hội loài người đã trải qua nhiều thảm họa với những trận dịch lớn như sốt rét, lao, bại liệt, đậu mùa,dịch hạch, dịch cúm,... qua nhiều quốc gia, đe dọa sự an nguy của nhân loại. Đó là đại dịch mà con người đã phải gánh chịu do nền y học, khoa học chưa phát triển. Cho đến nay, nhờ có những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học tạo ra vũ khí tối thượng giúp chống lại dịch bệnh đó chính là vắc xin. Những loại vắc xin khác nhau đã giúp cho con người ngày nay được sống trong môi trường tương đối “sạch bệnh”, chống lại được nhiều bệnh tật ở môi trường tác động. 

Vắc xin chính là những viên gạch xây dựng nền móng tốt nhất cho thành trì của hệ miễn dịch bảo vệ con người trước bệnh tật. Rõ ràng khi các bậc cha mẹ quay lưng lại vắc xin thì đó sẽ là hành động mang tội với con trẻ và không có trách nhiệm với cộng đồng. 

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho rằng, những người theo trào lưu anti vắc xin này cho rằng việc chủng ngừa vắc xin đã mang đến bất lợi hoặc có thể sẽ mang đến nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con em họ. Nên họ chọn để hệ thống miễn dịch của cơ thể tự đề kháng với dịch bệnh thay vì chủ động chích ngừa để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của vi rút gây bệnh.

Theo bác sĩ Khanh, Anti vaccine là một trào lưu nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng, những người theo trào lưu này thường đưa ra hàng loạt các thông tin nghi ngờ về đặc tính của vắc xin, những tác dụng không mong muốn của vắc xin để tung ra các thông tin nhằm lôi kéo nhiều phụ huynh nghe theo họ. Trong trường hợp trào lưu anti vaccine lan rộng, cộng đồng sẽ phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy bùng phát do tỷ lệ chủng ngừa không đạt được độ bao phủ để phòng bệnh. Dịch sởi tại Việt Nam vào năm 2014 là một điển hình, nhiều phụ huynh lo ngại về tác dụng phụ của vắc xin nên từ chối cho con đi tiêm chủng, đến khi dịch bùng phát mới hoang mang đưa trẻ đi chích thì nhiều cháu đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch.

Vắc xin tuy có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng nó chỉ có tác dụng khi được triển khai tiêm trên diện rộng thì vắc xin mới có tác dụng tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả. Nếu trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên 95% thì cho dù mầm bệnh xâm nhập thì cũng khó lan rộng vì có ít đối tượng cảm nhiễm. 

Tốt nhất cha mẹ nên là một người tiêu dùng thông thái, trước khi quyết định tiêm phòng cho bản thân và cho con nên tìm hiểu kỹ về loại vắc xin đó và tìm cơ sở uy tín để thực hiện chích ngừa. Để vắc xin phát huy hết hiệu quả phòng bệnh thì cha mẹ cần lưu ý đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi. 

Để chống lại trào lưu anti vaccine, mỗi chúng ta cần sáng suốt để lựa chọn sức khỏe cho bản thân và cho người thân trong gia đình. Những quốc gia tiến tiến đã có quy định rất nghiêm ngặt về việc tiêm vắc xin cho trẻ. Nếu trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ không được đến trường nhập học. Đây là mục tiêu chung để bảo vệ sức khỏe cả cộng đồng, tránh nguồn lây bệnh từ trẻ chưa được chủng ngừa sang những trẻ khác. Tại Việt Nam cơ chế còn lỏng lẻo nên có rất nhiều hội nhóm anti vắc xin, từ chối tiêm chủng đang hình thành mạnh mẽ, trở thành mối nguy hại cho cộng đồng.

GV Trần Như Huệ - Cao đẳng Y Dược Nha Trang t/h

Chia sẻ

Tin tức liên quan

1 hành khách nhiễm Covid-19 đi xe khách, cách ly hàng loạt nhân viên bến xe

1 hành khách nhiễm Covid-19 đi xe khách, cách ly hàng loạt nhân viên bến xe

Sau khi chở một hành khách bị nhiễm Covid-19, hiện có 2 nhân viên của xe khách tuyến Việt Trì-Cửa Lò xuất hiện biểu...
38 học sinh ở Vĩnh Phúc sốt, ho, khó thở đang được theo dõi

38 học sinh ở Vĩnh Phúc sốt, ho, khó thở đang được theo dõi

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 38 học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở hiện đang được theo dõi sức khoẻ là một trong...

Thông tin liên hệ

Trụ sở chính:
- Khu nhà C, Số 75 Đường 2 tháng 4, Phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa.

Website: https://caodangyduocnhatrang.vn
Email: [email protected]

Hotline: 02871 060 222
Điện thoại:  0258 3822 279

DMCA.com Protection Status

phân hiệu đào tạo

Phân hiệu đào tạo 1: Toà nhà PTT - Lô số 07, Công viên phần mềm Quang Trung, Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP.HCM
Phân hiệu đào tạo 2: Số 1036 Đường Tân Kỳ Tân Quý Tổ 129, Khu phố 14, Phường: Bình Hưng Hòa, Quận: Bình Tân, TP.HCM ( Ngã 3 đèn xanh đèn đỏ giao giữa đường Tân Kỳ Tân Quý và Quốc lộ 1A)