Tin tức đời sống
‘Bóng ma’ trong bệnh viện khiến bác sĩ sợ nhất là gì?
Theo BS Lê Ngọc Dũng – nguyên BS Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp – mỗi người thầy thuốc nào cũng phải đối diện với nhiều con ma nhưng con ma lớn nhất trong cuộc đời thầy thuốc chính là sốc phản vệ.
Bóng ma thật sự
Sốc phản vệ được gọi là bóng ma bởi vì khi nó đến thì không thể đoán trước và khi đánh nhau với nó thì giống như đánh với một cái bóng vô hình, có vô vàn phương cách chiến đấu mà cách nào cũng không chắc chắn.
Bác sĩ Dũng cho biết, sốc phản vệ là một phản ứng nhằm bảo vệ cơ thể chống lại một dị vật nào đó xâm nhập cơ thể hoặc qua da, qua miệng, mũi.
Trong quá trình tiến hóa thì sinh vật luôn tìm cách bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của các vật lạ bên ngoài. Hệ miễn dịch được hình thành như một hệ thống “quân đội” bảo vệ cơ thể.
Thứ nhất, thể dịch tức các kháng thể lưu thông trong máu, khi kết hợp với kháng nguyên trên bề mặt của vật lạ thì sẽ kích ứng một loạt phản ứng phá hủy vật lạ đó.
Thứ hai, đó là các tế bào thực bào, sẽ ăn theo đúng nghĩa đen, nuốt vật lạ đó vào tế bào đã trở thành khổng lồ gọi là đại thực bào (nếu nuốt được) và tiêu hủy nó.
Phản ứng phản vệ xảy ra do phản ứng thể dịch là chủ yếu. Một phức hợp kháng nguyên kháng thể sẽ một là hoạt hóa những chất có sẵn trong máu trở thành hoạt động, hai là kích thích một số tế bào phóng thích những chất độc ra. Những chất này rất độc hại, một khi phóng thích ra tuy mục đích là để tiêu diệt chất lạ nhưng cũng gây nguy hiểm cho cơ thể.
Trong lâm sàng, bác sĩ Dũng chia sẻ phản ứng sốc phản vệ thì mỗi bệnh nhân đều là một trường hợp cá biệt, không ai giống ai, thay đổi từ nhẹ nhất như nổi mẫn đỏ, như muỗi chích, đến nặng khủng khiếp như tụt hết huyết áp, rối loạ̣n đông máu, xuất huyết toàn thân, co thắt đường thở, suy tim cấp....Do đó điều trị cho một ca sốc phản vệ là một nỗ lực kinh hoàng cho thầy thuốc mà đôi khi phải kết hợp cả rất nhiều khoa mới cứu được bệnh nhân.
Quan niệm sai lầm về sốc phản vệ
Bác sĩ Lê Ngọc Dũng cho biết hiện nay có nhiều quan niệm sai lầm cho rằng chỉ có thuốc Tây trị bệnh gây sốc. Thực tế, tất cả thuốc Tây hay thuốc Bắc, thuốc Nam đều có thể gây sốc phản vệ, đã có nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc cổ truyền phải đưa vào bệnh viện cấp cứu do sốc phản vệ.
Quan niệm thứ hai, mọi thứ trên đời đều có thể gây phản ứng khi cơ thể tiếp xúc ngay cả nước lã, ánh sáng, sữa và không khí…
Sai lầm thứ ba chỉ dùng nhiều, liều lượng cao mới gây sốc. BS Dũng cho rằng phản ứng phản vệ là một phản ứng dây chuyền, năng lượng có sẳn trong cơ thể chỉ cần một kích thích là tự động xảy ra, giống như một que diêm hay cây đuốc đưa vào thùng thuốc súng đều gây nổ như nhau. Ngưỡng để phản ứng xảy ra rất nhỏ do đó chỉ nếm, ngửi cũng có thể nguy hiểm.
Ngày nay người ta càng phát hiện những ca sốc phản vệ mà không hiểu tác nhân do đâu. Môt số người sốc phản vệ khi tiếp xúc ngoài da như nằm một chiếc chăn, gas giường có chất latex, thậm chí ngậm một ống hút nhựa uống sinh tố...Đã có bệnh nhân đang mổ mà bị sốc phản vệ do phản ứng với ống đặt nội khí quản...
Càng bí hiểm hơn khi có những trường hợp đang vận động, tập thể dục lại ngã lăn ra ... sốc phản vệ. Hình như khi vận động có thể phóng thích ra một chất nào đấy mà cơ thể nhận lầm đó là địch vào nhà nên tấn công một cách mù quáng.
Nguồn: Infonet
Theo Cao đẳng Y Dược Nha Trang tổng hợp