Tin tức đời sống
Bệnh viện nghìn tỷ ở Tây Nguyên: Mới bàn giao đã dột tứ bề
Dù mới đưa vào sử dụng được khoảng 7 tháng, nhưng nhiều hệ thống thiết bị, máy móc ở Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên ( BV Vùng ) đã có dấu hiệu xuống cấp. Ngân sách tỉnh Đắk Lắk vẫn phải 'bơm' thêm tiền vào công trình nghìn tỉ để sửa chữa, trám vá.
Hiện nay các bệnh nhân, bác sĩ đã phải liên tục tránh mưa trong các khoa, phòng vì trần nhà dột nước. Tình trạng ‘cứ mưa là dột’ ở bệnh viện có tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng này đã xảy ra mấy tháng này và đã nhiều lần được báo cáo lên Sở Y tế Đắk Lắk - chủ đầu tư, nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để…
Khắp khuôn viên bệnh viện đầy những hình ảnh xây dựng chắp vá, bổ sung, sửa chữa. Trong lúc BV Vùng đang xây Trạm xử lý nước thải phía sau Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, thì nhiều nơi trong các khối nhà điều trị, nước thải chảy lênh láng khắp hành lang và các vách tường, bốc mùi hôi thối.
Các khoa phòng phải đặt xô chậu hứng nước thấm dột
Để khắc phục, các nhân viên phải dùng các xô, chậu để hứng, cây lau nhà, khăn để thấm nước. Hình ảnh những xô, chậu đặt dưới gầm băng ca, trong góc phòng để kịp thời ứng phó lúc trời mưa là điều quá lạ với nhiều bệnh nhân lẫn người nhà đang lưu trú tại bệnh viện nhìn bên ngoài rất hoành tráng này.
Từ tháng 2/2019 BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên chính thức đi vào hoạt động sau gần chục năm xây dựng, tốn hơn 1.100 tỷ đồng, với thiết kế 800 giường bệnh, diện tích mặt sàn hơn 70 nghìn m2, trên diện tích đất 12ha, rộng gấp hơn 2 lần so với diện tích bệnh viện cũ, là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Từ khi bắt đầu đưa vào khai thác sử dụng tới nay, các hệ thống làm lạnh trung tâm và hệ thống khí y tế trung tâm liên tục gặp sự cố. Cụ thể, hệ thống trung tâm nhà A vẫn chưa được lắp đặt 2 bộ điều khiển trung tâm, hướng dẫn vận hành, hiện đang báo lỗi nước ngưng; Hệ thống làm lạnh trung tâm nhà B cũng báo lỗi nước ngưng.
Bác sĩ Nguyễn Đại Phong - giám đốc Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, nói việc bệnh viện bị dột khiến y bác sĩ và bệnh nhân rất mệt mỏi, bức xúc mỗi khi trời mưa.
Ông Phong cho biết, tình trạng thấm, dột tại bệnh viện đã xảy ra mấy tháng nay và đơn vị rất nhiều lần có báo cáo gởi chủ đầu tư là Sở Y tế Đắk Lắk để yêu cầu nhà thầu khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục cũng rất vá víu, chậm trễ và không triệt để.
Tới nay Ban Quản lý Dự án xây dựng BV Vùng vẫn chưa bàn giao đủ hồ sơ thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình này cho lãnh đạo BV Vùng. Sau khi BV Vùng có công văn xin sửa chữa nhiều hạng mục, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 32,375 tỉ đồng để "khắc phục các sự cố", trong đó có việc đập bỏ cầu nối 1 tầng công năng quá hạn chế, để xây cầu nối 4 khu điều trị.
Trong khi một số dấu hiệu sai phạm liên quan đến quá trình đầu tư, xây dựng ở bệnh viện này chưa được làm rõ thì một số cán bộ nhân viên Sở Y tế có liên quan tới công trình này đã nộp đơn xin nghỉ việc. Trong số đó có ông Đặng Minh Cảnh- Trưởng Ban quản lý dự án và ông Trần Vũ Sơn- Phó phòng Tài chính kế toán Sở Y tế.
Trả lời về vấn đề này, một lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết: toàn bộ việc xây dựng đều do ‘nhiệm kỷ trước’ thực hiện. Hiện nay, ban lãnh đạo mới chỉ tiếp nhận và… khắc phục sự cố nhưng vẫn chưa xong.
Lãnh đạo này cũng cho biết, số tiền hơn 32 tỉ đồng được HĐND tỉnh phê duyệt là để xây dựng thêm các hạng mục còn thiếu. Đối với các hạng mục xây dựng sai, để xảy ra sự cố thì đơn vị thi công phải khắc phục trong tháng 10-2019.
"Nếu các nhà thầu vẫn chây ì, khắc phục không đảm bảo yêu cầu thì Sở sẽ không trả 10% số tiền trong hợp đồng mà sẽ giữ lại để thuê đơn vị thi công khác vào khắc phục. Phương án của chúng tôi là sẽ lợp tôn áp mái phía trên cùng để chống dột, thấm cho tất cả các khu. Việc này cũng chống nắng cho các tầng trên cùng", lãnh đạo này cho biết.
Theo một vị lãnh đạo cho biết các gói thầu đang xây, sửa tổng giá trị hơn 32 tỉ đồng vẫn do Ban quản lý dự án Sở Y tế làm chủ đầu tư, triển khai trong 2 năm 2019-2020. Trong nguồn này chưa có khoản tiền xây Khu chống nhiễm khuẩn khác, để thay thế Khu chống nhiễm khuẩn trị giá nhiều chục tỉ mới bàn giao nhưng không đạt yêu cầu chống nhiễm khuẩn, chỉ phù hợp làm khu giặt ủi cho bệnh viện.
Nguồn: Báo mới
Trường Cao đẳng Y Dược Nha Trang tổng hợp